Master là gì? Phân loại bằng master, điều kiện học master,…
Lenin đã chỉ ra chân lý của việc học qua câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Đối với những người ham học và mong muốn phát triển hơn trong sự nghiệp, việc học của họ thường sẽ không chỉ dừng lại ở tấm bằng cử nhân. Họ có mong muốn học bằng thạc sĩ, tiến sĩ,… cùng nhiều kỹ năng chuyên môn khác. Vậy “master” có phải một loại bằng cấp hay không? Master là gì? Hãy cùng AMOLI phân loại bằng master và tìm hiểu điều kiện, trường đào tạo loại bằng này nhé!
1. Master là gì?
Master hay master degree được hiểu là bằng thạc sĩ. Đây là bậc học sau đại học, dành cho những ai muốn đào sâu kiến thức chuyên ngành, nâng cao kỹ năng nghiên cứu hoặc phát triển chuyên môn để phục vụ cho công việc. Thời gian học thường kéo dài từ 1 đến 2 năm tùy ngành và quốc gia.
Việc sở hữu bằng thạc sĩ mang lại rất nhiều lợi ích như:
- Nâng cao kiến thức và chuyên môn
- Mở rộng cơ hội nghề nghiệp
- Tăng thu nhập cá nhân
- Mở ra cơ hội thăng tiến
- Mở rộng mạng lưới với nhiều giảng viên, chuyên gia và bạn bè cùng ngành
2. Có những loại bằng master nào?
Bằng master thường được chia thành ba loại là: học thuật, chuyên môn và nghiên cứu.
2.1. Bằng thạc sĩ học thuật
Bằng thạc sĩ học thuật còn được gọi là Academic Master’s Degree. Chương trình học sẽ nặng về nghiên cứu và lý thuyết hơn so với thực hành.
Việc đào sâu kiến thức chuyên ngành, rèn luyện tư duy nghiên cứu khoa học sẽ xây dựng một nền tảng học thuật vững chắc. Không những thế, người có bằng thạc sĩ học thuật rất được ưu tiên trong các công việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu trong các tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu…
Các loại bằng thạc sĩ học thuật phổ biến:
- MA (Master of Arts): Thạc sĩ Khoa học xã hội và Nhân văn
- MS, MSc (Master of Science) — Thạc sĩ Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Kinh tế…
2.2. Bằng thạc sĩ chuyên môn
Bằng thạc sĩ chuyên môn hay Professional Master’s Degree là chương trình thạc sĩ tập trung vào việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn công việc. Học viên sẽ được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, giúp sẵn sàng đi làm hoặc thăng tiến ngay sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, bằng thạc sĩ chuyên môn rất phổ biến, nhất là trong các ngành cần kỹ năng thực tiễn cao như: quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính, marketing, kỹ thuật, giáo dục, y tế… Ưu điểm của loại bằng này là cân bằng giữa lý thuyết nền tảng và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp.
Một số bằng thạc sĩ chuyên môn phổ biến:
- MBA (Master of Business Administration) — Thạc sĩ Quản trị kinh doanh
- MPA (Master of Public Administration) — Thạc sĩ Hành chính công
- MFA (Master of Fine Arts) — Thạc sĩ Nghệ thuật sáng tạo
- LLM (Master of Laws) — Thạc sĩ Luật
- MEd (Master of Education) — Thạc sĩ Giáo dục chuyên nghiệp
2.3. Bằng thạc sĩ nghiên cứu
Bằng thạc sĩ nghiên cứu (tên tiếng Anh thường gọi là Research Master’s Degree tập trung chủ yếu vào việc thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập với mục tiêu đào sâu vào một chủ đề học thuật hoặc khoa học cụ thể.
Học bằng thạc sĩ này, bạn sẽ được rèn luyện để trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ. 70 – 100% thời gian học là dành cho việc làm nghiên cứu bởi bằng yêu cầu phải thành thạo các phương pháp nghiên cứu, thống kê, phân tích dữ liệu và viết học thuật.
Các loại bằng thạc sĩ nghiên cứu phổ biến:
- MRes (Master of Research): Thạc sĩ chuyên sâu về nghiên cứu
- MPhil (Master of Philosophy): Bằng thạc sĩ nghiên cứu ở cấp cao, được xem là tiền đề cho việc học lên tiến sĩ
3. Điều kiện để theo học ngành thạc sĩ
Mỗi quốc gia, trường đào đạo sẽ đưa ra các yêu cầu cụ thể để theo học ngành thạc sĩ. Tuy nhiên, bạn cần đáp ứng được những điều kiện chung sau:
3.1. Trình độ học vấn
Đầu tiên, bạn cần có bằng cử nhân đúng hoặc liên quan đến ngành mà bạn muốn học master. Một số ngành như kỹ thuật, y tế, luật… có thể yêu cầu tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành hoặc kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó.
Một số chương trình yêu cầu cần đạt GPA tối thiểu, thường từ 2.5/4.0 trở lên hoặc 7.0/10 tùy trường và quốc gia. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị bài luận cá nhân giải thích lý do bạn muốn học ngành đó và nêu mục tiêu nghề nghiệp tương lai.
3.2. Trình độ ngoại ngữ
Trình độ ngoại ngữ cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để theo học hệ thạc sĩ, đặc biệt là học tại nước ngoài.
Nếu chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, bạn cần có ít nhất một chứng chỉ ngoại ngữ như:
- Chứng chỉ IELTS đạt tối thiểu từ 6.0 – 7.0
- Chứng chỉ TOEFL iBT khoảng 80 – 100 điểm
Nếu chương trình không giảng dạy bằng tiếng Anh có thể yêu cầu trình độ ngoại ngữ tiếng địa phương.
3.3. Một số yêu cầu khác để theo học master
Một số chương trình đào tạo chuyên môn như MBA, MPA yêu cầu có 1 – 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan. Các chương trình thạc sĩ học thuật hoặc nghiên cứu thì không yêu cầu kinh nghiệm nhưng cần có khả năng nghiên cứu tốt.
Bạn có thể sẽ cần từ 1 – 3 thư giới thiệu từ giảng viên đại học, cấp trên hoặc người hướng dẫn công việc để xác nhận năng lực học tập và làm việc của bạn. Ngoài ra, một số chương trình đào tạo còn yêu cầu bạn tham gia phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến để đánh giá động lực và khả năng học tập.
Một số điều kiện bổ sung khác theo từng nước hoặc trường đào tạo:
- Bài kiểm tra GMAT/GRE (đặc biệt với ngành kinh tế, quản trị, kỹ thuật, khoa học)
- Portfolio (bộ hồ sơ sản phẩm cá nhân) cho các ngành thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật…
4. Nên học thạc sĩ tại Việt Nam hay du học hệ thạc sĩ?
Dù bạn học hệ thạc sĩ trong nước hay du học hệ thạc sĩ thì đều tốt và có những lợi ích riêng. Hãy cùng tìm hiểu chương trình thạc sĩ tại Việt Nam và nước ngoài nhé!
4.1. Học master tại Việt Nam
Điểm khác biệt lớn nhất khi học master tại Việt Nam là chi phí học tập thấp hơn rất nhiều so với học tập tại nước ngoài. Chất lượng đào tạo ở các trường top đầu có chương trình tốt đang dần đạt chuẩn quốc tế.
Chương trình đào tạo chủ yếu là tiếng Việt, có một số chương trình liên kết tiếng Anh. Sau tốt nghiệp, bạn sẽ dễ xin việc tại Việt Nam, được sống và làm việc gần người thân, bạn bè. Học hệ thạc sĩ tại Việt Nam phù hợp với những người có tài chính hạn chế và phù hợp với thị trường nội địa.
Tại Việt Nam phổ biến với các ngành đào tạo như:
- Quản trị kinh doanh
- Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng
- Công nghệ thông tin – Khoa học máy tính
- Luật – Quan hệ quốc tế
- Kỹ thuật – Công nghệ
- Quản lý giáo dục
- Y học – Dược học
Các trường đào tạo thạc sĩ chất lượng tại Việt Nam có thể kể đến như:
- Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Ngoại thương (FTU)
- Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
- Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Đại học Bách Khoa TP.HCM
- RMIT Việt Nam (liên kết Úc) – học hoàn toàn bằng tiếng Anh
Như đã đề cập ở trên, chi phí học hệ thạc sĩ tại Việt Nam rất hợp lý. Học phí trung bình dao động từ 30 – 150 triệu VNĐ/ năm. Chi phí sinh hoạt khoảng 5 – 10 triệu VNĐ/ tháng. Tuy nhiên, các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam (ví dụ MBA RMIT) học phí có thể cao như đi du học.
4.2. Học thạc sĩ tại nước ngoài
Nếu đi du học hệ thạc sĩ, bạn sẽ được trải nghiệm môi trường sống hiện đại cùng chất lượng giáo dục chuẩn quốc tế. Do học bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại, bạn có cơ hội tốt để nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, bằng cấp quốc tế là thế mạnh lớn khi bạn xin việc ở nước ngoài hoặc công ty đa quốc gia. Bạn cũng có cơ hội định cư lâu dài để làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị tài chính vững chắc để học thạc sĩ tại nước ngoài bởi chi phí cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Các ngành đào tạo thạc sĩ phổ biến tại nước ngoài:
- Master of Business Administration (MBA): Quản trị kinh doanh
- Master of Finance: Tài chính
- Master of Marketing: Marketing
- Master of Information Technology (IT): Công nghệ thông tin
- Master of Data Science: Khoa học dữ liệu
- Master of Artificial Intelligence (AI): Trí tuệ nhân tạo
- Master of International Law: Luật quốc tế
- Master of Biotechnology: Công nghệ sinh học
- Master of Public Health (MPH): Y tế công cộng
Bạn có thể tham khảo tên một số trường đào tạo tại các nước du học phổ biến:
- Anh: University of Oxford, University of Cambridge, LSE, UCL, University of Manchester
- Mỹ: Harvard University, Stanford University, MIT, University of California system (Berkeley, UCLA…)
- Úc: University of Melbourne, ANU, University of Sydney, Monash University
- Canada: University of Toronto, UBC, McGill University
- Một số nước Châu Âu: ETH Zurich (Thụy Sĩ), TU Munich (Đức), Sciences Po (Pháp)
Chi phí học thạc sĩ tại nước ngoài sẽ là một gánh nặng tài chính khá lớn đối với nhiều người. Học phí du học thạc sĩ dao động từ 15.000 – 50.000 USD/năm tùy trường và quốc gia bạn chọn. Sinh hoạt phí trong khoảng từ 800 – 2000 USD/tháng. Tuy nhiên, nếu bạn xin được học bổng 50–100% thì du học sẽ cực kỳ tiết kiệm và xứng đáng.
Tóm lại, học master hay còn gọi là thạc sĩ mang lại rất nhiều lợi ích. Học tại Việt Nam giúp tiết kiệm chi phí và phù hợp làm việc nội địa. Trong khi đó, du học thạc sĩ mở rộng cơ hội toàn cầu và nâng cao trình độ quốc tế. Lựa chọn học thạc sĩ nên dựa trên mục tiêu nghề nghiệp, tài chính và định hướng phát triển lâu dài.
Qua bài viết trên, AMOLI đã thông tin đến bạn về phân loại bằng master cũng như điều kiện để học thạc sĩ và trường đào tạo phổ biến. Nếu còn những thắc mắc liên quan, hãy liên hệ ngay với AMOLI để được giải đáp chi tiết.